Tết Trung thu xưa tại Kinh thành Thăng Long

Tìm hiểu trung thu xưa tại Hoàng thành Thăng Long

Với nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu giáo dục truyền thống cho học sinh, những hoạt động trải nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long sẽ tạo được sân chơi ý nghĩa, uy tín cho du khách và thiếu nhi dịp Tết Trung thu năm nay.

Tại đây, các em được trải nghiệm không gian trưng bày, trang trí trung thu truyền thống với chủ đề “Giấy hồng vui Tết trung thu”, tham gia các trò chơi dân gian, thả diều; trải nghiệm các hoạt động tương tác: Tô mặt nạ, nặn tò he, nghệ thuật gấp giấy Origami (Nhật Bản)…; xem biểu diễn múa rối nước…

Bên cạnh đó, chương trình còn có hoạt động gặp gỡ, giao lưu cùng các nhà sử học và nghệ nhân thông qua các chuyên đề giáo dục di sản như: Các bậc vua sáng tôi hiền qua tích truyện trung thu tại cung đình Thăng Long xưa, giáo dục bảo vệ môi trường thông qua đồ chơi giấy truyền thống…

Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và các chuyên gia từng bước xây dựng các hoạt động giáo dục di sản cho học sinh. Riêng trong năm 2017, đã có hơn 2.600 học sinh THCS và 1.300 học sinh tiểu học được trải nghiệm các chương trình giáo dục di sản, tìm hiểu di sản chuyên sâu tại Hoàng thành Thăng Long (chương trình “Em tìm hiểu di sản” và “Em làm nhà khảo cổ”). Ngoài ra, hơn 18.000 em nhỏ được trải nghiệm các chương trình Trung thu truyền thống và Tết Việt tại khu di sản, chưa kể hàng vạn học sinh đã tham quan khu di sản theo chương trình thông thường.

Trong năm 2018, chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa được đẩy mạnh một bước, thông qua việc ký kết hợp tác với ngành Giáo dục và đào tạo Hà Nội. Theo đó, hàng năm, các nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch, phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đưa học sinh tới học tập, trải nghiệm tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long vào những khoảng thời gian thích hợp trong năm học. Đây là chương trình ngoại khóa gắn với bộ môn lịch sử để các em thêm hiểu và yêu lịch sử cũng như văn hóa truyền thống của dân tộc.

Gian hàng bày đồ chơi trung thu truyền thống. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Lung linh những chiếc đèn ông sao được trưng bày sẽ là không gian lôi cuốn, hấp dẫn các em thiếu nhi trong mùa Trung thu này. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa để phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Các em nhỏ và du khách sẽ được tham quan không gian trưng bày các loại đèn trung thu cổ truyền dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ xưa. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Đến tham quan khu trưng bày, các em thiếu nhi sẽ hiểu biết thêm về những loại đồ chơi xưa, trân trọng văn hóa của dân tộc mình. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Lung linh những chiếc đèn ông sao được trưng bày sẽ là không gian lôi cuốn, hấp dẫn các em thiếu nhi trong mùa Trung thu này. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Các gian hàng đèn trung thu cổ truyền được trưng bày theo hình thức trên phố cổ xưa. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Các loại đèn Trung thu truyền thống được phục dựng và trưng bày. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Rực rỡ đèn kéo quân. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm không gian trưng bày Tết trung thu tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN