Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến hết 9/2023 cả nước xuất khẩu gần 6,42 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,54 tỷ USD, trị giá bình quân đạt 551,5 USD/tấn, tăng 19,5% về lượng (tăng 35,9%) và tăng 13,7% về trị giá bình quân so với cùng kỳ năm 2022.

CHÂU Á DẪN DẦU NHẬP KHẨU GẠO VIỆT NAM

Về thị trường xuất khẩu gạo, Philippines, Trung Quốc và Indonesia là 3 thị trường dẫn đầu; trong đó, Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt trên 2,44 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,29 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 12,8% về kim ngạch cùng kỳ năm 2022. Quốc gia này chiếm 38% về lượng và chiếm 36,5% về kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xếp vị trí thứ hai là Trung Quốc chiếm 13,3% trong tổng lượng và chiếm 14% trong tổng kim ngạch, đạt 858.848 tấn (tương đương 495,78 triệu USD), đạt giá trung bình 577,3 USD/tấn, tăng mạnh 37,2% về lượng và tăng 55,2% kim ngạch. Giá tăng 13,1% so với 9 tháng năm 2022.

Indonesia đứng vị trí thứ ba, đạt 884.177 tấn (tương đương 462,61 triệu USD), giá 523,2 USD/tấn, tăng mạnh 1.667% về lượng, tăng 1.794% kim ngạch và tăng nhẹ 7,2% về giá so với 9 tháng năm 2022, chiếm 13,8% trong tổng lượng và chiếm 13% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Đây là thị trường đầy tiềm năng và liên tục xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan, tăng trưởng rất mạnh trong thời gian gần đây cũng như trong sắp tới.

Cũng theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)  đạt 4,64 triệu tấn, tương đương 2,49 tỷ USD, tăng 29,7% về lượng, tăng 46,9% kim ngạch.

Xuất khẩu sang các thị trường thuộc khu vực Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương(CPTTP) đạt 459.451 tấn, tương đương 247,33 triệu USD, tăng 7% về lượng, tăng 18,2% kim ngạch. Riêng xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt trên 3,75 triệu tấn, tương đương 1,98 tỷ USD, tăng 28,5% về lượng, tăng 45,6% kim ngạch.

Trong tổng lượng xuất khẩu gạo khoảng 4,2 triệu tấn, riêng 3 thị trường ở Châu Á gồm Philippines, Trung Quốc và Indonesia chiếm đến 65,4% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước trong 9 tháng đầu năm 2023.

THỊ TRƯỜNG ĐẦY TIỀM NĂNG NHƯNG CẦN ĐÁNH GIÁ ĐẦY ĐỦ CÁC RỦI RO

Liên quan đến thị trường tăng “đột biến” 4 con số là Indonesia, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết nước này sẽ cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm 2023, theo tuyên bố của tổng thống Indonesia Widodo. Đây được xem là cơ hội lớn cho mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng xác nhận Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung cấp gạo chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo dự trữ sắp tới cho quốc gia vạn đảo này. Khả năng việc nhập khẩu gạo này sẽ được thực hiện sớm nhất trong tháng 10/2023.

Indonesia chọn Việt Nam là nguồn cung chính cho các đợt thu mua lúa gạo vì theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, gạo Việt Nam luôn là nguồn cung uy tín, giành được sự tin tưởng của chính phủ và người tiêu dùng Indonesia trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về sản lượng lương thực sản xuất trong nước do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino. Điều này giúp khẳng định thêm vị thế, uy tín chất lượng của hạt gạo Việt Nam.

Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đã có Văn bản số 08/SQ/TV/2023 ngày 27/3/2023 gửi Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam đề cập về việc nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia của Indonesia trong năm 2023. Theo Thương vụ Việt Nam, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống và trọng điểm của Việt Nam.

Cụ thể, Chính phủ Indonesia đã ra quyết định sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Liên quan tới gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì 1,2 triệu tấn như hiện nay, nhằm bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia này.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ra khuyến cáo gửi các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam, đề nghị họ cần chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đẩy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu cũng như góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý các thương nhân chủ động phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang có nhiều biến động.

Các doanh nghiệp Việt Nam, gồm Vinafood 1, Vinafood 2, Lộc Trời, Công ty TNHH lương thực Phát Tài, Công Ty CP Quốc Tế Gia, Công ty CP Thực phẩm thiên nhiên King Green và Xuất nhập khẩu Kiên Giang đã trúng tổng cộng 8/17 gói thầu nhập khẩu gạo 500.000 tấn của Indonesia

Danh sách chính thức về các doanh nghiệp trúng thầu vừa được Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố ngày 31/1/2024. Theo danh sách do Bulog công bố, Việt Nam trúng 8/17 gói thầu.

Trong danh sách này, Việt Nam là quốc gia duy nhất có nhiều doanh nghiệp tham gia và thắng thầu với số lượng lớn. Có đến 3 doanh nghiệp của Việt Nam trúng thầu đến 2 lô là Tập đoàn Lộc Trời (LTG) với số lượng 2 lô (số 8 và 14), Tổng công ty Lương thực Miền Nam (lô số 3+9) và Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (lô số 15+16).Công Ty CP Quốc Tế Gia trúng thầu lô số 6 và Công ty CP Thực phẩm thiên nhiên King Green trúng thầu lô số 2. Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang trúng lô thầu số 12 và Công ty TNHH Lương thực Phát tài (Đồng Tháp) trúng lô số 11. Như vậy, với 7 doanh nghiệp trúng thầu, Việt Nam chiếm số lượng đến 2/3 trong gói thầu 500.000 tấn gạo này.

Đầu năm 2024, Bulog thông báo mời thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo, nhằm gia tăng dự trữ lương thực trong nước Ngày 30/1/2024, Cơ quan này hoàn tất việc đấu thầu và xác định danh tính các doanh nghiệp tham gia trúng thầu.

Dữ liệu thống kê của Hải quan cho biết, năm 2023, Indonesia đã vượt Trung Quốc và vươn lên là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2023, chỉ sau Philippines, với sản lượng 1,16 triệu tấn, đạt 640 triệu USD, tương ứng tăng lần lượt 877% và 992% so với năm trước.

Chính vì vậy,  với gói thầu 500.000 tấn mà Indonesia vừa công bố nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam chiếm số lượng khoảng 2/3 sẽ là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu gạo ngay từ đầu năm.

Năm 2024, Indonesia có kế hoạch nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo, tương đương với Philippines.

Xuất khẩu gạo năm qua đã chứng kiến sự bứt phá chưa từng thấy. Sản lượng gạo xuất khẩu năm 2023 của nước ta đạt 8,1 triệu tấn, trị giá 4,68 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với năm trước. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

ASEAN là thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước.

Ngoài ra, gạo Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc đạt 917.000 tấn, tăng 8%; Ghana đạt 587.000 tấn, tăng 32,9% so với năm trước.

Tính đến ngày 22/1/2024, cả nước có 161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

TP.HCM là địa phương có nhiều thương nhân xuất khẩu gạo nhất, với 36 thương nhân (giảm 1 thương nhân so với danh sách công bố hồi tháng 10/2023); tiếp đến là Cần Thơ 34 thương nhân, Long An 22 thương nhân, Đồng Tháp 15 thương nhân, An Giang 14 thương nhân.

Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo là Hà Nam, Hậu Giang, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Thanh Hóa.

Xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo tiếp tục thuận lợi do nguồn cung thắt chặt, và nhu cầu nhập khẩu tại nhiều quốc gia gia tăng, nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ, từ đó duy trì mặt bằng giá cao.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong tháng 1/2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dù có những biến động theo hướng giảm khoảng 10-11 USD/tấn so với cuối năm 2023 song vẫn ở mức cao. Giá gạo xuất khẩu loại tiêu chuẩn 5% tấm trong những ngày cuối tháng 1/2024 ở mức 642 USD/tấn.

Với mức giá này, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang thấp hơn giá gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan khoảng 13 USD/tấn, nhưng so với Pakistan, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn 4 USD/tấn.

Xuất/nhập khẩu gạo thế giới trong năm 2024 ước khoảng 52,1 triệu tấn (gạo xay xát), giảm 710.000 tấn so với mức dự báo trong tháng trước và giảm 270.000 tấn so với năm 2023.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, ngày 26/2/2024, ông Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, cho biết Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn.

Nguyên nhân do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt, xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023. Theo dự kiến, việc thu hoạch vụ lúa này sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2024, thay vì tháng 3 và tháng 4 hàng năm.

Như vậy, với lượng gạo nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn, tổng lượng lượng gạo hạn ngạch Chính phủ quyết định nhập khẩu trong năm 2024 sẽ là 3,6 triệu tấn.

Cho đến nay, Bộ Thương mại Indonesia đã cấp giấy phép nhập khẩu gạo cho 2 triệu tấn. Giấy phép nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn sẽ sớm được ban hành sau khi hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường Indonesia đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Hiện tượng gạo khan khiếm tại các siêu thị đã xuất hiện.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của Chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do.

Giá bán gạo lẻ tại thị trường lên tới 80.000 ru-pi (tương đương 5,17 USD)/5kg so với mức giá trần Chính phủ ấn định chỉ là 69.500 Rp (4,45 USD)/5kg.

Theo Cơ quan thống kê Indonesia, trong tháng 1/2024, nước này đã nhập khẩu 441,93 nghìn tấn, tăng 82,19% so với tháng 1/2023, tương đương giá trị 279,2 triệu USD. Trong đó, lượng gạo nhập từ Thái Lan là 237,64 nghìn tấn, từ Pakistan là 129,78 nghìn tấn, Myanmar 41,61 nghìn tấn, Việt Nam là 32,34 nghìn tấn, Campuchia 2,5 nghìn tấn.

Trong năm 2023, Indonesia đã vươn lên trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn, thu về hơn 640 triệu USD, tăng mạnh 878% về lượng và tăng đến 992% về trị giá so với năm 2022.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho rằng với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong bối cảnh mùa vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng lễ Ramdan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu trung tuần tháng 3/2024 và kéo dài trong 01 tháng, khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục gia tăng mạnh.

Dự báo, Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn).

Do vậy, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia này.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam cán đích 8,1 triệu tấn, tương ứng 4,7 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 35% về giá trị so với năm 2022.

Ngành gạo Việt Nam đã lập kỷ lục xuất khẩu cả về lượng và kim ngạch sau 34 năm tham gia vào thị trường toàn cầu. Bình quân giá gạo xuất khẩu trong năm 2023 đạt 580 USD/tấn, tăng 19% so với năm 2022. Trong đó, Indonesia là thị trường có mức độ tăng trưởng mạnh nhất.